No module Published on Offcanvas position
E21.109, Số 126 Nguyễn Thiện Thành,K4,P5,Tp.TV (+84).294.3855692 ttpvcd@tvu.edu.vn

Nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ

 

Biên phòng - Đồng bào Khmer Nam bộ từ lâu đã hình thành một nền văn hóa độc đáo, trong đó có các loại hình nghệ thuật biểu diễn phong phú. Ra đời từ những năm đầu của thế kỷ XX, nghệ thuật sân khấu Dù kê được người Khmer các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gìn giữ và phát triển cho đến tận hôm nay.

skcr_21a
Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh) với vở diễn "Duyên tiền định" tại Liên hoan nghệ thuật Dù kê Khmer Nam bộ lần thứ nhất. Ảnh: Phương Nghi

Môn nghệ thuật độc đáo

Dù kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (sông Hậu), với đặc trưng có tích truyện, nghệ thuật biểu diễn tinh tế, ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên được người dân yêu thích.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Trà Vinh - ông Sang Sết, hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: Đề tài và nội dung kịch bản của sân khấu Dù kê rất phong phú và mang tính giáo dục rất sâu sắc. Những nhân vật điển hình được khắc họa bằng hình tượng nghệ thuật thông qua cách thể hiện, diễn xuất của các nghệ nhân, nghệ sĩ phản ánh bức tranh xã hội, cuốn hút người xem, làm cho khán giả có lúc như đang hòa mình cùng  nhân vật trên sân khấu... "Nghệ thuật sân khấu Dù kê còn là biểu hiện của tính nhân văn, đó là sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, cuộc sống phải biết nương tựa vào nhau. Tính nhân văn còn được đề cao một cách sâu sắc:  Dù thế lực, cường quyền có hùng mạnh đến đâu, nhưng nếu người dân lương thiện một khi biết đoàn kết, chung tay góp sức đuổi tà, diệt ác thì sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Người không biết tiếng Khmer khi theo dõi diễn biến của vở Dù kê vẫn có thể hiểu được cốt truyện" - nghệ sĩ Sang Sết chia sẻ.

Hằng năm, vào mỗi dịp diễn ra các lễ hội của người Khmer lại thấy xuất hiện loại hình nghệ thuật này như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Trang phục trong Dù kê choáng lộng màu sắc, đặc biệt với các diễn viên nữ chỉ cần một tấm vải chừng 6 mét là có thể tạo ra cả bộ quần áo và rất nhiều kiểu trang phục khác nhau. Cách trang phục của diễn viên Dù kê có tính ước lệ, hoàng tử đầu đội vương miện có gắn 2 lông cò, mà người Khmer gọi là lông ma. Còn vai phù thủy thì đội vương miện thấp hơn, nhưng dưới vương miện có đội một khăn tròn và được vẽ hình cánh bướm có răng nanh. Diễn viên nữ cổ tay và cổ chân đều mang vòng. Những chài công nương thì mặc áo tròn màu đen và đeo nhiều hạt cườm. Chính vì vậy, chỉ cần nhìn cách hóa trang là khán giả nhận ngay nhân vật thuộc thiện hay ác.

Bảo tồn và phát triển

Có thể nói, lối sống chân chất, mộc mạc của người Khmer Nam bộ, tình làng nghĩa xóm được duy trì, vun đắp cho đến ngày nay có phần đóng góp của các tích truyện từ sân khấu Dù kê. Thế nhưng, theo sự phát triển đi lên của nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, nên ngày nay sân khấu Dù kê đang dần bị mai một. Số lượng nghệ nhân, diễn viên theo nghiệp, tác giả viết kịch bản Dù kê... cũng thưa dần.

Ngày nay, sân khấu nói chung đang gặp nhiều khó khăn, nhưng những đoàn nghệ thuật Khmer khi biểu diễn Dù kê trong vùng đồng bào dân tộc luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con. Anh Thạch Chăm Rơn, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện nay, loại hình sân khấu Dù kê ở Sóc Trăng rất phát triển. Đồng bào dân tộc Khmer rất thích loại hình này. Đi đến đâu, đoàn nghệ thuật của chúng tôi cũng được khán giả yêu mến và ủng hộ rất nhiệt tình, bởi vì loại hình Dù kê rất gần gũi, phản ánh được nguyện vọng, tâm tư của đồng bào.

Đến Nhà văn hóa xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, An Giang) vào những dịp lễ hội lúc nào cũng thấy chật kín người, ai cũng mong được xem và thưởng thức các trích đoạn Dù kê do các diễn viên "cây nhà lá vườn" trong xã thể hiện. Chị Néang Óot, Đội phó Đội Dù kê xã Ô Lâm cho biết: Hầu hết các nghệ sĩ trong Đội là những nông dân chân lấm, tay bùn, ngày ngày bám ruộng đồng mưu sinh, nhưng tất cả họ đều có chung tình yêu nghệ thuật dân tộc. Toàn Đội Dù kê xã Ô Lâm có 18 diễn viên, đến kỳ lễ hội hay có hoạt động văn hóa nghệ thuật, anh chị em tập hợp lại luyện tập. "Nhờ gắn bó với nhau nhiều năm nên việc tập luyện của các thành viên chỉ để nhớ lại bài bản, thuần thục các động tác. Khi nào có vở mới thì tập luyện lâu hơn để mỗi tháng biểu diễn 1 lần cho bà con xem" - chị Néang Óot nói.

Dù còn gặp khó khăn, nhưng hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long có 4 đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp tại 4 tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu và hơn chục đội thông tin Khmer tỉnh cùng đơn vị tư nhân thường xuyên hoạt động lưu diễn vào mùa khô hằng năm (khoảng từ đầu tháng 1 đến hết tháng 5), đã khẳng định loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ vẫn tràn đầy sức sống.

Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung, Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh) phân tích: "Học biểu diễn Dù kê cũng không dễ, vì người thể hiện phải có năng khiếu cả về ca, múa, cảm thụ văn học, âm nhạc và diễn xuất. Vì vậy, người theo nghề phải có niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu truyền thống của dân tộc mình. Đội ngũ sáng tác cho sân khấu Dù kê đến nay không nhiều. Đây là loại hình tổng hợp nên người viết phải có đủ trình độ và am hiểu nghệ thuật biểu diễn Dù kê. Thế nhưng, hiện công tác đào tạo nhân lực cho nghệ thuật Khmer chủ yếu dựa vào việc truyền nghề tại các đoàn. Chính vì vậy, không theo sát được tốc độ phát triển của nhịp sống đương đại".

hjka_21b
Những buổi biểu diễn Dù kê luôn thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân. Ảnh: Phương Nghi

Mặc dù vậy, các đoàn vẫn nỗ lực vượt lên khả năng của chính mình để tồn tại và phát triển. Chị Kim Thị Chung, Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Bạc Liêu tâm sự: "Muốn theo nghề, người nghệ sĩ phải có niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu truyền thống của dân tộc mình. Do đó, cần có cơ chế đãi ngộ hợp lý để chăm lo tốt hơn cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, đặc biệt là những nghệ nhân có tuổi, có chuyên môn và tâm huyết, những người đóng vai trò cầm lái trực tiếp làm công tác bảo tồn, bởi họ chính là những kho sử sống về loại hình Dù kê".

Có thể nói, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống, phong tục tập quán và lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, giữ gìn phát huy, kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer là niềm tự hào của bà con Khmer và những người đang giữ gìn, tiếp nối dòng chảy văn hóa này.

Với sự độc đáo và hấp dẫn, loại hình nghệ thuật Dù kê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO (giai đoạn 2012 - 2016). Nếu được công nhận, đó sẽ là bệ phóng để những tiếng đàn, tiếng hát Dù kê thêm ngọt ngào, rộn rã, góp phần gìn giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo của người dân Khmer vùng châu thổ Cửu Long.

Phương Nghi

(0 Votes)

Administrator