Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, chị Danh Kim Huôi, ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa (huyện Cầu Ngang – Trà Vinh) thực hiện mô hình trồng ớt sừng trâu vàng chuyên canh đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững 

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 31,53%, với hơn 300.000 người). Thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2016-2020, Trà Vinh đã đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, địa phương đã xây dựng 685 công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế… Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh còn tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn các chương trình, dự án, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ đầu tư xây dựng gần 600 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ yêu cầu dân sinh và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer…

Sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách dân tộc, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Trà Vinh đang khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer đã có bước chuyển biến tích cực. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí khoảng 1.465 tỷ đồng để nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 80 triệu đồng, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 – 4%/năm; không còn xã đặc biệt khó khăn, 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế… Đồng thời hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho ít nhất 433 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức về chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức…

Ông Hà Thanh Sơn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: “Theo Kế hoạch, tỉnh Trà Vinh đầu tư khoảng hơn 271 tỷ đồng về nhu cầu vốn tín dụng chính sách để đầu tư, hỗ trợ nâng cao đời sống và phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nay đến năm 2025. Tổng nguồn vốn này sẽ được tỉnh ưu tiên đầu tư tập trung vào các chương trình, dự án trọng tâm về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào Khmer; thực hiện các dự án hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào Khmer; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch địa phương”./.

 
Bài, ảnh: Phương Nghi